Quá trình đô thị hóa nhanh đã làm gia tăng hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, chênh lệch nhiệt độ lên đến 3-5°C trong những ngày nắng nóng cao điểm. Nguyên nhân là do tỷ lệ che phủ thực vật thấp, mật độ xây dựng cao và việc sử dụng nhiều loại vật liệu hấp thụ nhiệt tại các khu vực đô thị.
Nhiệt độ tăng dẫn đến tăng mạnh nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát. Tiêu thụ điện năng để làm mát hiện chiếm 25,2% tổng tiêu thụ điện quốc gia và dự kiến tăng gấp ba lần vào năm 2050. Mặt khác, điều này còn dẫn đến gia tăng mạnh sử dụng các môi chất lạnh gây phá hủy tầng ozone và làm nóng lên toàn cầu.
Các nghiên cứu quốc tế chỉ ra, nếu không được kiểm soát, lượng phát thải khí nhà kính từ việc làm mát dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba vào năm 2100. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, riêng trong năm 2020, Việt Nam đã chịu thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu hơn 10 tỷ USD.
Giải pháp làm mát bền vững
Trước thực trạng trên, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho rằng, yêu cầu cấp bách là phải quản lý phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện Cục Biến đổi khí hậu đang tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế để xây dựng Chương trình hành động quốc gia về làm mát (NCAP) tổng hợp và toàn diện cho Việt Nam.
NCAP cần tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam thông qua các hoạt động làm mát xanh, bền vững. Trong đó sẽ cần nhiều giải pháp làm mát đô thị, hỗ trợ các cộng đồng dễ tổn thương ở nông thôn và can thiệp vào chuỗi cung ứng thuốc, thực phẩm.
Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, hạn chế sản phẩm và thiết bị như thiết bị làm lạnh vận tải, thiết bị làm lạnh thương mại công nghiệp, bơm nhiệt, điều hòa di động, điều hòa gia dụng… để loại bỏ dần các công nghệ có tiềm năng nóng lên toàn cầu cao và tăng hiệu suất năng lượng.
Chương trình NCAP kết hợp với lưới điện xanh hơn, lượng phát thải từ lĩnh vực làm mát sẽ giảm mạnh so với mức hiện tại, góp phần bảo đảm các mục tiêu NDC và trung hòa carbon của Việt Nam.
Đẩy mạnh các giải pháp làm mát bền vững không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần bảo vệ tầng ozone, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.